23:29 14/05/2015 GMT+7
Góp ý kiến vào Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân
Ngày 8-5-5015, tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với tổ chức Action Aid Việt Nam và ngày 13-5-2015, tại tỉnh Ninh Bình phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức hội thảo: góp ý kiến vào Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân. Đại diện một số Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, Hội Luật gia nhiều tỉnh, thành phố, chi hội trực thuộc Trung ương Hội và nhiều nhà khoa học từ các cơ quan nghiên cứu ở Trung ương đã dự.

           

         Toàn cảnh Hội thảo tại Hà Nội.

          Khai mạc các buổi hội thảo, TS. Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Trưởng Ban soạn thảo Luật Trưng cầu ý dân đã nêu rõ quá trình xây dựng Dự thảo Luật và sự cần thiết lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý đóng góp cho dự thảo luật này; đồng thời mong muốn nhận được nhiều ý kiến thiết thực của các đại biểu để Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật.

         Toàn cảnh Hội thảo tại Ninh Bình.

          Thay mặt Ban soạn thảo, GS.TS. Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, Phó trưởng Ban soạn thảo đã giới thiệu về sự cần thiết ban hành luật, những quan điểm chỉ đạo xây dựng luật, bố cục và những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân.

          Hội thảo đã nghe 4 chuyên đề cơ bản, đó là: Những vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân và phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân; Sáng kiến trưng cầu ý dân, thủ tục đề nghị, thẩm tra, xem xét và quyết định trưng cầu ý dân; Kết quả trưng cầu ý dân và hiệu lực pháp lý của kết quả trưng cầu ý dân; Thủ tục tổ chức trưng cầu ý dân, cơ quan, tổ chức phụ trách tổ chức trưng cầu ý dân.

          Trên cơ sở đó, nhiều đại biểu đã tập trung thảo luận về những vấn đề cơ bản của dự thảo Luật, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Đó là, những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân; phạm vi trưng cầu ý dân; chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân; cơ quan, tổ chức phụ trách trưng cầu ý dân; kết quả trưng cầu ý dân; giám sát trưng cầu ý dân; giải quyết khiếu nại về kết quả trưng cầu ý dân. Thí dụ, về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, dự thảo Luật đưa ra hai phương án. Theo đó, phương án 1: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền trình đề nghị trưng cầu ý dân; phương án 2: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền trình đề nghị trưng cầu ý dân.

Thảo luận vấn đề này vẫn còn có ba loại ý kiến khác nhau:

Một số ý kiến tán thành quy định như phương án I để bảo đảm thống nhất với quy định tại khoản 1, Điều 19 Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi 2014).

Loại ý kiến thứ hai tán thành theo quy định tại phương án II của Dự thảo.

         Loại ý kiến thứ ba đề nghị, ngoài bốn chủ thể quy định tại phương án I, chỉ bổ sung Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được đề nghị trưng cầu ý dân, không bổ sung: Thủ tướng có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, bởi vì Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, trong khi đó Luật đã quy định Chính phủ là chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân.

Các ý kiến đóng góp của Hội thảo sẽ được Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo luật này./.

                                                                                      P.V

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD