09:03 17/12/2014 GMT+7
Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý: Chính sách pháp luật và thực tiễn thi hành
Hội Luật gia Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý: Chính sách pháp luật và thực tiễn thi hành tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Văn Quyền,  Chủ tịch Hội; Lê Minh Tâm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hôi Luật gia Việt Nam; đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình; và các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ Bộ Tư pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Lãnh đạo các Ban chuyên môn thuộc Trung ương Hội và đại diện lãnh đạo Hội Luật gia nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 TS. Nguyễn văn Quyền, Chủ tịch HLGVN phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Quyền nêu rõ, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý trên cả nước. Riêng đối với Hội Luật gia Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1133/QĐ-TTg ngày 15/7/2013 giao cho Hội Luật gia Việt Nam chủ trì và phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, UBTWMTTQ Việt Nam thực hiện Đề án "Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013-2016". Để triển khai thực hiện Đề án, theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo Đề án, Ban Thư ký Đề án; ban hành các Kế hoạch thực hiện Đề án; tổ chức các Hội nghị quán triệt, triển khai đề án, đồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn cấp Hội trong việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án tại địa phương. Trong hai năm 2013 và 2014, Cơ quan Trung ương Hội Luật gia Việt Nam và các cấp Hội địa phương đã tích cực triển khai nhiều nội dung quan trọng của Đề án.

Hội thảo xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý: Chính sách pháp luật và thực tiễn thi hành là cuộc hội thảo khoa học đầu tiên được tổ chức nhằm phục vụ cho việc triển khai kế hoạch nghiên cứu, đề xuất với Đảng và Nhà nước trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý.

Đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình.

Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh rất vui mừng khi Hội thảo được tổ chức tại Quảng Bình. Trong thời gian tới Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ có những chỉ đạo cụ thể về việc phối hợp thực hiện đề án Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giữa Hội Luật gia tỉnh Quảng Bình với các đơn vị có liên quan theo nội dung của Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, GS,TS. Lê MinhTâm nhận định: Xã hội hóa là quá trình tổ chức huy động các nguồn lực xã hội, phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động nhằm cung cấp các dịch vụ công đáp ứng yêu cầu và bảo vệ lợi ích của cá nhân, tổ chức và xã hội dưới sự quản lý và hỗ trợ của Nhà nước. Hai quá trình này tương tác với nhau. Muốn xã hội hóa được thì phải có con người xã hội hóa và môi trường xã hội hóa (đó là môi trường pháp lý, môi trường vật chất tài chính và cơ chế khuyến khích, động viên, tôn vinh).

Trên cơ sở đó, Hội thảo đã tập trung thảo luận các nội dung trọng tâm đó là: Quan điểm của Đảng và Nhà nước về việc xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý; Thực trạng xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý hiện nay; Nhu cầu và thách thức của việc xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý; Đề xuất hướng hoàn thiện quy định pháp luật trong lĩnh vực xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý. Hội thảo cũng đã tập trung phân tích và làm rõ một số vấn đề như: các quy định pháp luật hiện hành đã bảo đảm thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý chưa? Cần bổ sung quy định gì để bảo đảm và khuyến khích sự tham gia của của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và toàn thể công chúng? Cần bổ sung các quy định gì về cơ chế tài chính để tăng cường thu hút nguồn lực xã hội vào công tác này và làm giảm gánh nặng tài chính từ phía nhà nước?

Kết luận Hội thảo, TS nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh, Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý phải được từng bước xã hội hóa, xu thế xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải theo xu thế này và tuân theo lộ trình nhất định.Căn cứ các văn bản của Đảng và Nhà nước, Hội Luật gia Việt Nam có đủ cơ sở để thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý. Đảng và Nhà nước phải có vai trò trách nhiệm trong việc xã hội hóa công tác này. Hội Luật gia Việt Nam có đủ khả năng để thực hiện nhiệm vụ xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý mà Đảng và nhà nước đã giao cho.

Đàm Thanh Tuấn

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD